Khái quát
Điện toán đám mây (cloud computing) là một xu hướng công nghệ nổi bật trên thế giới trong những năm gần đây và đã có những bước phát triển nhảy vọt cả về chất lượng, quy mô cung cấp và loại hình dịch vụ, với một loạt các nhà cung cấp nổi tiếng như Google, Amazon, Salesforce, Microsoft,... Điện toán đám mây là mô hình điện toán mà mọi giải pháp liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng các dịch vụ qua mạng Internet, giải phóng người sử dụng khỏi việc phải đầu tư nhân lực, công nghệ và hạ tầng để triển khai hệ thống. Từ đó điện tóan đám mây giúp tối giản chi phí và thời gian triển khai, tạo điều kiện cho người sử dụng nền tảng điện tóan đám mây tập trung được tối đa nguồn lực vào công việc chuyên môn.
Lợi ích của điện tóan đám mây mang lại không chỉ gói gọn trong phạm vi người sử dụng nền tảng điện tóan đám mây mà còn từ phía các nhà cung cấp dịch vụ điện toán. Theo những đánh giá của nhóm IBM CloudBurst năm 2009, trên môi trường điện toán phân tán có đến 85% tổng năng lực tính toán trong trạng thái nhàn rỗi, thiết bị lưu trữ tăng 54% mỗi năm, khoảng 70% chi phí được dành cho việc duy trì các hệ thống thông tin. Công nghiệp phần mềm mất đi 40 tỷ USD hằng năm vì việc phân phối sản phẩm không hiệu quả, khoảng 33% khách hàng phàn nàn về các lỗi bảo mật do các công ty cung cấp dịch vụ. Những thống kê này đều chỉ đến một điểm quan trọng: mô hình hệ thống thông tin hiện tại đã lỗi thời và kém hiệu quả, cần phải chuyển sang một mô hình điện toán mới – đó là điện tóan đám mây.
Theo định nghĩa của Viện Quốc gia Tiêu chuẩn và Công nghệ Mỹ (US NIST), điện toán đám mây là mô hình cho phép truy cập trên mạng tới các tài nguyên được chia sẻ (ví dụ: hệ thống mạng, máy chủ, thiết bị lưu trữ, ứng dụng và các dịch vụ) một cách thuận tiện và theo nhu cầu sử dụng. Những tài nguyên này có thể được cung cấp một cách nhanh chóng hoặc thu hồi với chi phí quản lý tối thiểu hoặc tương tác tối thiểu với nhà cung cấp dịch vụ.
Các đặc tính của điện toán đám mây
Mô hình điện toán đám mây
Tự phục vụ theo nhu cầu (On-demand self-service): Người sử dụng dịch vụ có thể tự yêu cầu cung cấp các dịch vụ tài nguyên dưới dạng máy chủ, các dịch vụ phần mềm hay dịch vụ lưu trữ,…một cách tự động mà không cần phải qua nhà cung cấp dịch vụ.
Tính đàn hồi nhanh chóng (Rapid Elasticity): Tài nguyên trên đám mây có thể được cung cấp một cách nhanh chóng và linh hoạt. Có khả năng mở rộng hoặc thu hẹp theo nhu cầu hoặc theo tham số cấu hình. Có thể coi tài nguyên trên điện toán đám mây là không có giới hạn, và có thể được truy cập vào bất kỳ thời điểm nào.
Tập hợp tài nguyên (Resource pooling): Tài nguyên máy tính của nhà cung cấp được gộp chung để phục vụ nhiều người dùng thông qua mô hình cho thuê. Các nguồn tài nguyên vật lý và ảo khác nhau được gán động và phân bổ lại theo nhu cầu của người dùng. Khách hàng không có quyền kiểm soát hoặc hiểu biết về vị trí chính xác của các tài nguyên được cung cấp nhưng có thể chỉ định ở mức trừu tượng cao (ví dụ như chỉ định quốc gia, vùng địa lý, trung tâm dữ liệu). Tài nguyên có thể bao gồm: lưu trữ, xử lý, bộ nhớ và băng thông mạng.
Truy cập mạng rộng rãi (Broad Network Access): Dịch vụ đám mây luôn có sẵn sàng miễn là có kết nối internet. Chỉ cần từ 1 ứng dụng kết nối internet như máy tính để bàn, laptop, thiết bị di động,…là bạn đã có thể truy cập tới tài nguyên đám mây. Người dùng có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi vào các dịch vụ đám mây.
Dịch vụ được đo đếm (Measured Service): Hệ thống đám mây tự động kiểm soát và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên bằng cách tận dụng khả năng đo lường đối với loại dịch vụ lưu trữ, xử lý, băng thông và tài khoản người dùng đang hoạt động. Khách hàng có thể theo dõi, kiểm tra các tài nguyên họ sử dụng, qua đó cung cấp sự minh bạch cho cả nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Các mô hình dịch vụ trong điện toán đám
Các mô hình dịch vụ điện toán đám mây
Hiện nay có rất nhiều hãng công nghệ lớn nhỏ trên thế giới thực hiện cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây với nhiều loại hình dịch vụ khác nhau. Nhưng có ba loại hình dịch vụ cơ bản là: Dịch vụ hạ tầng (IaaS – Infrastructure as a Service), dịch vụ nền tảng (PaaS – Platform as a Service), dịch vụ phần mềm (SaaS – Software as a Service). Cách phân loại này thường được gọi là “mô hình SPI”.
Các thành phần trong điện toán đám
Các mô hình triển khai điện toán đám mây
Các mô hình triển khai điện toán đám mây
Mô hình triển khai đám mây riêng (Private Cloud) là mô hình trong đó hạ tầng đám mây được sở hữu bởi một tổ chức hay doanh nghiệp và phục vụ cho người dùng của tổ chức hoặc doanh nghiệp đó. Những “đám mây” này tồn tại bên trong tường lửa của công ty và được các doanh nghiệp trực tiếp quản lý.
Mô hình đám mây công là các dịch vụ điện toán đám mây được các nhà cung cấp dịch vụ đưa ra cung cấp cho mọi người sử dụng rộng rãi thông qua hạ tầng Internet hoặc các mạng công cộng diện rộng. Các dịch vụ được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ và các ứng dụng của người dùng đều nằm trên đám mây. Các ứng dụng khác nhau chia sẻ chung tài nguyên tính toán, mạng và lưu trữ.
Hybrid Cloud là sự kết hợp của Public Cloud và Private Cloud, trong đó doanh nghiệp đưa các chức năng nghiệp vụ và dữ liệu không quan trọng lên đám mây, và sử dụng các dịch vụ Public Cloud để giải quyết và xử lý các dữ liệu này. Đồng thời đối với các dữ liệu tương đối quan trọng, doanh nghiệp sẽ giữ chúng trong tầm kiểm soát bằng việc sử dụng Private Cloud.
Đám mây cộng đồng là một mô hình triển khai điện toán đám mây, trong đó có nhiều doanh nghiệp được liên kết với nhau nhằm mục đích chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp với nhau. Các doanh nghiệp này thường có chung lĩnh vực hoạt động kinh doanh, ngoài ra các doanh nghiệp này cũng phải có chung mối quan tâm về bảo mật, đảm bảo an toàn dữ liệu,….